THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM – Media OutReach – Ngày 15 tháng 7 năm 2021 – Để kỷ niệm Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới (World Youth Skills Day) năm nay của Liên hợp quốc, Deutsche Post DHL Group (DPDHL Group), nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới đã công bố những phát hiện chính từ một nghiên cứu đầu tiên về khả năng làm việc của thanh niên ở châu Á. Nghiên cứu được thực hiện theo hình thức trực tuyến trong 3 tuần đã nhận được gần 950 câu trả lời từ những người trẻ trên 15 tuổi trong khu vực, trong đó có gần 480 câu trả lời đến từ Việt Nam. Những người trẻ tuổi từ 6 quốc gia khác là Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Thái Lan chiếm phần còn lại trong số những người được hỏi. Nghiên cứu về Việt Nam này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình GoTeach của Tập đoàn DPDHL, với sự hỗ trợ của đối tác là Làng Trẻ em SOS.
Ông Christoph Selig, Phó chủ tịch phụ trách các chương trình và truyền thông bền vững của Tập đoàn DPDHL nhận xét: “Nhiều người trẻ thường xuyên phải đối diện với sự bất an và cảm giác không chắc chắn về công việc, khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực phải tiếp tục chống chọi với các làn sóng khác nhau của đại dịch COVID-19, kể cả khi đại dịch này bắt đầu dịu xuống nhờ có sự xuất hiện của nhiều loại vaccine. Cho dù điều này không thể tránh khỏi sẽ ảnh hưởng đến lộ trình tuyển dụng của các doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy những điểm tích cực, khi giới trẻ đã nhận ra những thách thức phía trước, song vẫn lạc quan về các sở trường và năng lực của bản thân để đảm bảo tìm một công việc thích hợp, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục”.
Nghiên cứu chỉ rõ rằng, gần 90% thanh niên Việt Nam trả lời là “lo lắng” hoặc “rất lo lắng” về khả năng tìm việc làm của mình, trong số này có gần 98% thừa nhận đại dịch COVID-19 đang tác động xấu đến quá trình tìm kiếm việc làm của họ. Mặc dù vậy, nhiều thanh niên châu Á vẫn có cảm giác tự tin và lạc quan: có tới 88% trong số họ tin rằng, họ sẵn sàng tham gia thị trường việc làm, trong đó 70% bày tỏ sự mong đợi tìm được một công việc trong khoảng thời gian dưới 6 tháng sau khi học xong.
Khi đánh giá một lời mời tuyển dụng, “cơ hội học hỏi và được thử thách” trong công việc là yếu tố hàng đầu cần xem xét, tiếp theo đó là “sự đảm bảo việc làm” với gần 20% người được hỏi trong khu vực đánh giá là quan trọng.
Tại Việt Nam, phần lớn người được hỏi đồng ý với các bạn trẻ trong khu vực về việc muốn học hỏi và được thử thách, nhưng họ cho rằng “lương bổng” là yếu tố được xem xét thứ hai. Không có gì ngạc nhiên khi khoảng 38% thanh niên được hỏi (tại Việt Nam và trong khu vực) coi các phương pháp truyền thống như thực tập là rất bổ ích để tìm được việc làm, cho dù việc giới thiệu hoặc đề xuất từ người hướng dẫn thực tập và giáo viên cũng được coi là những yếu tố quan trọng. Trong khi các cổng thông tin việc làm trực tuyến hiện khá phổ biến, song lại được coi là kênh kém hữu ích nhất, đơn giản chỉ vì ở đây là thiếu sự kết nối cá nhân từ việc thực tập hoặc sự phê duyệt, xác nhận của mối liên hệ nào đó.
Những ưu tiên về ngành nghề
Tại Việt Nam, hơn 250 thanh niên được hỏi cảm thấy công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng viên hoặc bác sĩ là chắc chắn, không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do họ là những người ở tuyến đầu đóng vai trò quan trọng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, những nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hoặc cơ quan chính quyền lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Điều khá thú vị là, khi được hỏi về sở thích chọn công việc đầu tiên của họ là gì, hơn 50% thanh niên ở Việt Nam được hỏi đã chọn khởi nghiệp. Thực tế này cho thấy, họ có những ưu tiên giống như những người cùng trang lứa trong khu vực, với hơn 20% trong số họ chọn phương án này. Về tổng thể, các công việc liên quan đến khởi nghiệp, giáo dục và khách sạn/du lịch được đánh giá thuộc 3 lĩnh vực được giới trẻ trong khu vực ưa thích nhất.
Bà Susanne Novotny, Giám đốc Hợp tác doanh nghiệp của Làng Trẻ em SOS, phát biểu: “Những người trẻ mới tham gia lực lượng lao động đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng chưa từng có, ảnh hưởng đến quan điểm, nhận thức của họ về môi trường làm việc. Cho nên, không có gì là ngạc nhiên khi hầu hết đều cảm thấy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng nói một cách công bằng, thì hầu hết những người trẻ đều thích khởi nghiệp kinh doanh hơn để kiểm soát tốt hơn cuộc sống, sự nghiệp và số phận của mình. Nhìn chung, chúng tôi thấy tinh thần dám nghĩ dám làm của những người trẻ tuổi rất đáng hoan nghênh, cổ vũ, bên cạnh đó họ còn được hỗ trợ tích cực bởi chương trình đào tạo khởi nghiệp của GoTeach về cách khởi đầu và điều hành công việc kinh doanh của riêng họ”.
Những kỹ năng cơ bản ở môi trường làm việc
Ngoài các kỹ năng về kỹ thuật và tay nghề, hơn 60% người trẻ được hỏi ở Việt Nam đều cho rằng, kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng, trong khi 27% trả lời rằng, kỹ năng ngôn ngữ là phù hợp với khả năng đảm bảo tìm được một công việc. Những người được hỏi khác trong khu vực cũng coi các kỹ năng này là quan trọng nhất sẽ hỗ trợ họ trong quá trình tìm việc.
Kể từ khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn và thông qua vào năm 2014 đến nay Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới đã trở thành cơ hội cho người trẻ, cho các tổ chức giáo dục và đào tạo kỹ thuật – dạy nghề cũng như các bên có liên quan trong nền kinh tế công – tư nhân, để thừa nhận và tôn vinh tầm quan trọng của việc trang bị cho những người trẻ các kỹ năng cần thiết để làm việc, có được việc làm xứng đáng và cơ hội khởi nghiệp. Chủ đề của năm nay là “Skills for a resilient youth (tạm dịch: Các kỹ năng cho thanh niên giỏi thích ứng).
Với sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environment, Social and Governance – ESG) được khởi xướng từ năm 2009, GoTech đang tìm cách để cải thiện cơ hội tìm được việc làm của người trẻ, đặc biệt là những người trẻ có xuất phát điểm bất lợi về kinh tế-xã hội do bất ổn về xã hội, nghèo đói và/hoặc không có gia đình. Gần đây, Tập đoàn DPDHL đã kỷ niệm năm thứ 10 chương trình GoTech có mặt tại Việt Nam, và cam kết tiếp tục hợp tác với Làng Trẻ em SOS, tổ chức phi chính phủ lớn nhất tập trung vào việc hỗ trợ trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến nay, các tình nguyện viên đến từ Tập đoàn DPDHL tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đóng góp thời gian và công sức để cùng làm việc với những người trẻ trong chương trình này. Tại châu Á – Thái Bình Dương, hơn 600 tình nguyện viên của DHL đã thực hiện một số sáng kiến trong năm 2020, bao gồm hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng làm việc, viết sơ yếu lý lịch, thực tập và trại huấn luyện thanh niên, mang lại những lợi ích cho người trẻ trong khu vực.
Có thể tham khảo các hình ảnh đồ họa thông tin (infographic) đính kèm để biết đầy đủ các kết quả của nghiên cứu được thực hiện với 950 người trẻ ở châu Á. Để biết thêm thông tin về các chương trình phát triển và cách tiếp cận bền vững của DHL, hãy truy cập Logistics of Things.
Thông tin về DHL
DHL là thương hiệu lớn toàn cầu trong lĩnh vực logistics. DHL có danh mục dịch vụ khổng lồ từ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế; chuyển giao hàng theo kênh thương mại điện tử, vận chuyển hàng nhanh bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không cho đến việc quản lý chuỗi cung ứng công nghiệp. Không chỉ các thị trường phát triển, các ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ, y tế, sinh học, năng lượng, ô tô và bán lẻ cộng với truyền thống là doanh nghiệp đi đầu trong việc thực thi trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng và có mặt tại rất nhiều thị trường đang phát triển, DHL được đánh giá là doanh nghiệp logistics dành cho cả thế giới. Với khoảng 400.000 nhân viên đang làm việc tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, DHL kết nối mọi người dân và doanh nghiệp một cách rất an toàn và đáng tin cậy.
DHL là một đơn vị thành viên của Deutsche Post DHL Group (với doanh thu năm 2020 đạt hơn 66 tỷ euro). Với các hoạt động kinh doanh bền vững và cam kết với xã hội và môi trường, Tập đoàn đóng góp tích cực cho thế giới. Deutsche Post DHL Group đặt mục tiêu đạt được dịch vụ logistics không phát thải vào năm 2050.
#DHL
Recent Comments