HÀ NỘI, VIỆT NAM – Media OutReach – Ngày 3 tháng 2 năm 2021 – Quỹ VinFuture (VinFuture Foundation) đã công bố các tiêu chí đề cử cho Giải thưởng VinFuture với yêu cầu các đề cử phải có ảnh hưởng tích cực tới hàng triệu người trong 10 năm qua hoặc trong 10 năm tới. Giải thưởng VinFuture cũng chính thức mở để nhận đề cử từ nay đến ngày 7/6/2021, trên phạm vi toàn thế giới.
Vào ngày 20/1/2021, Hội đồng Giải thưởng đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất và thống nhất các đề cử sẽ được tìm kiếm từ tất cả các quốc gia trên thế giới
Bộ tiêu chí chung do Hội đồng giải thưởng, gồm 11 nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới phát triển và thống nhất, gồm 9 tiêu chí chính áp dụng chung cho Giải thưởng Chính và 3 Giải Đặc biệt VinFuture. Bên cạnh đó, còn có các tiêu chí cụ thể bổ sung cho từng hạng mục giải thưởng.
Các thành viên của Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture có mặt tại Việt Nam để thống nhất về bộ tiêu chí đề cử
Với tầm nhìn toàn cầu của Quỹ VinFuture, giải thưởng sẽ được trao cho những tiến bộ cơ bản trong khoa học và kỹ thuật phù hợp với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals-SDG) của Liên hợp quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiếp cận với giáo dục chất lượng, nước sạch và năng lượng tái tạo, giảm tình trạng bất bình đẳng hoặc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Điều đặc biệt trong tiêu chí đề cử Giải thưởng VinFuture là các đề cử phải được chứng minh bằng khoa học về việc đã có ảnh hưởng tích cực, mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm qua; hoặc trong 10 năm tới. Những tiến bộ, phát minh khoa học mang tính đột phá phải mang lại tác động tích cực cho nhân loại trên phạm vi toàn cầu. Đây là yêu cầu cốt lõi, nhất quán với sứ mệnh “tạo ra những thay đổi tích cực có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học mang tính đột phá và đổi mới công nghệ” mà VinFuture đặt ra.
Mọi đề cử cho Giải thưởng VinFuture cần được thông qua các tổ chức, cá nhân đáp ứng các tiêu chí đề cử, đó là các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, viện hàn lâm khoa học và công nghệ quốc gia, mạng lưới, hiệp hội chuyên môn, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp, vườn ươm đổi mới sáng tạo và những cá nhân đặc biệt xuất sắc trong những lĩnh vực liên quan.
Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Giải thưởng VinFuture nhận xét: “Chúng ta cần hợp tác trên phạm vi toàn thế giới để giải quyết thách thức toàn cầu mà chúng tai đang đối mặt, như các dịch bệnh, sức khỏe cộng đồng hay biến đổi khí hậu. Do vậy, chúng tôi nhận ra rằng, khoa học và công nghệ cần mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và mọi quốc gia. Giải thưởng VinFuture sẽ tôn vinh các phát minh, sáng chế, giải pháp khoa học mang lại tác động, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu con người trên trái đất này”.
Ông Phạm Nhật Vượng, Nhà sáng lập Quỹ VinFuture, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Ngoài việc vinh danh các nhà khoa học xuất sắc trên toàn thế giới, VinFuture mong muốn thúc đẩy và sớm đưa vào cuộc sống những công trình, nghiên cứu, phát minh, sáng chế mang lại những giá trị tích cực cho nhân loại. Tôi hy vọng rằng, Giải thưởng VinFuture có thể phát hiện và công nhận nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế xứng đáng nhất, những dự án đem lại giá trị tuyệt vời cho hàng triệu người”.
Được biết, Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture đã chính thức ra mắt vào ngày 20/12/2020. Theo đó, Giải thưởng VinFuture sẽ được tổ chức hàng năm, trở thành một trong những giải thưởng khoa học – công nghệ có giá trị lớn nhất trên thế giới cho đến nay, với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD).
Giải thưởng chính có trị giá 70 tỷ đồng (3 triệu USD) sẽ được trao cho tác giả của các nghiên cứu mang tính đột phá, sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống nhân loại trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai. Ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỷ đồng (500.000 USD) sẽ được trao cho các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế làm việc tại các nước đang phát triển; các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế là phụ nữ và các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế có các thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực mới nổi.
Những người giành được Giải thưởng VinFuture sẽ được xét chọn bởi Hội đồng Giải thưởng độc lập gồm nhóm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín và có đóng góp lớn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ… góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
Hội đồng Giải thưởng cũng đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất vào ngày 20/1/2021 và thống nhất các đề cử sẽ được tìm kiếm từ mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như được đưa ra tại www.vinfutureprize.org.
Sau phiên họp đã có hơn 200 nhà khoa học, giáo sư nổi tiếng đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín của hơn 20 quốc gia thuộc 6 châu lục thể hiện sự quan tâm trở thành người giới thiệu đề cử cho giải thưởng.
Cho tới nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ có đại diện tham gia, gồm: Algeria, Bỉ, Trung Quốc đại lục, Đan Mạch, Pháp, Ghana, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Kazakhstan, Hà Lan, Nigeria, Singapore, Tây Ban Nha, Nam Phi, Hàn Quốc, Sudan, Thụy Sĩ, Đài Loan, Ukraina, Vương quốc Anh, Mỹ… Các người giới thiệu đề cử cho giải thưởng cũng đến từ các trường đại học như Cornell, Harvard, Yale, Chicago, Pennsylvania, Toronto, Thanh Hoa, Viện Công nghệ MIT (Massachusetts Institute of Technology)…
Danh sách những người giành được Giải thưởng VinFuture sẽ được công bố vào tháng 12/2021. Lễ trao giải chính thức sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 1/2022. Thông tin chi tiết về việc nhận đề cử có tại: www.vinfutureprize.org
Chín tiêu chí đề cử chính đối với Giải thưởng VinFuture:
1. Cần có bằng chứng rõ ràng hoặc tiềm năng cho thấy sản phẩm cuối cùng hoặc dịch vụ được đưa ra dựa trên giải pháp công nghệ có thể ứng dụng được trong thực tế hàng ngày;
2. Các giải pháp đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm qua hoặc có khả năng mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm tới;
3. Các giải pháp phải phù hợp với một hoặc nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SFGs) của Liên hợp quốc.
4. Các giải pháp phải được chứng minh bằng khoa học (tức là phải có bằng chứng rõ ràng về việc đã vượt qua các thử nghiệm khoa học có liên quan và trong trường hợp nghiên cứu, thì phải được chứng minh bằng thực nghiệm hoặc được đánh giá rộng rãi);
5. Mở rộng cho các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế đã tham gia vào việc phát triển các giải pháp cơ bản, chứ không phải các doanh nhân hoặc công ty đã giúp thương mại hóa, phổ biến công nghệ;
6. Các sản phẩm cuối cùng của nghiên cứu phải có tiềm năng mang lại lợi ích cho mọi người trên toàn cầu, bao gồm cả những người đến từ các nước đang phát triển và kém phát triển, các cộng đồng có thu nhập thấp và thiệt thòi;
7. Mở rộng cho các cá nhân hoặc nhóm các nhà nghiên cứu/nhà phát minh;
8. Ưu tiên cho những người được đề cử trong giai đoạn hoạt động tích cực của sự nghiệp;
9. Cùng một cá nhân/nhóm có thể được đề cử cho một hoặc nhiều giải thưởng đặc biệt của VinFuture nếu đủ điều kiện.
Recent Comments