HÀ NÔI, VIỆT NAM – Media OutReach – Ngày 20/12, Nhân Ngày Quốc tế Đoàn kết, Quỹ VinFuture (VinFuture Foundation) thuộc Tập đonà Vingroup đã chính thức ra mắt Giải thưởng VinFuture, giải thưởng khoa học và công nghệ tầm cỡ thế giới đầu tiên của Việt Nam và là một trong những giải thưởng thường niên lớn nhất thế giới về khoa học và công nghệ. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Việt Nam đầu tiên – Người sáng lập và Chủ tịch Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam cùng với phu nhân là bà Phạm Thu Hương sáng lập.
Sứ mệnh của Giải thưởng là “Tạo ra những thay đổi tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất, bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ mang tính đột phá”. Với tầm nhìn như vậy, Quỹ VinFuture hoạt động để tôn vinh những bộ óc đặc biệt xuất sắc về nghiên cứu và đổi mới công nghệ sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và đảm bảo cuộc sống bền vững cho các thế hệ tương lai bằng cách giải quyết các vấn đề hàng ngày của con người, phù hợp với một hoặc nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.
Luôn ghi nhớ nguồn gốc từ một quốc gia đang phát triển, Giải thưởng VinFuture Prize sẽ cố gắng đảm bảo rằng, tất cả các nhà khoa học và nhà đổi mới sáng tạo đều có thể tiếp cận với các cơ hội công bằng và bình đẳng, đặc biệt là những người đang nỗ lực với nguồn lực hạn chế.
Về cơ cấu, Giải thưởng VinFuture hàng năm có 1 Giải thưởng lớn (Grand Prize) và 3 Giải đặc biệt. Trong đó, Giải thưởng lớn trị giá 3 triệu USD là một trong những giải thưởng khoa học – công nghệ toàn cầu có giá trị lớn nhất hiện nay. Giải thưởng lớn sẽ dành cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc tịch, độ tuổi, giới tính, địa vị xã hội hoặc nền tảng kinh tế của ứng cử viên. Giải thưởng sẽ được trao cho những nghiên cứu và đổi mới công nghệ mang tính đột phá đã được chứng minh nhằm cải thiện tích cực chất lượng cuộc sống con người, đồng thời tạo ra một thế giới công bằng và bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.
Bên cạnh Giải thưởng lớn, Quỹ VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt hàng năm, mỗi giải trị giá 500.000 USD, với trọng tâm là thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và các lĩnh vực nghiên cứu mới. Các giải thưởng này sẽ được dành cho các nhóm sau:
- Một Giải VinFuture Đặc biệt cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh đến từ các nước đang phát triển.
- Một Giải VinFuture Đặc biệt cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh là phụ nữ.
- Một Giải Đặc biệt VinFuture dành cho nghiên cứu hoặc sáng tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mới nổi, có tiềm năng tạo ra thay đổi tích cực cho nhân loại trong tương lai.
Các đề cử sẽ được giới thiệu từ các nhà khoa học, các nhà phát minh nổi tiếng thế giới, các tổ chức nghiên cứu hàn lâm, tập đoàn công nghệ, các vườn ươm đổi mới sáng tạo có uy tín ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Một Hội đồng Giải thưởng độc lập bao gồm các nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng thế giới đến từ các tổ chức giáo dục, hàn lâm, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ xem xét, đánh giá các ứng cử viên và chọn ra người xuất sắc nhất đoạt giải mỗi năm.
Các thành viên của Hội đồng Giải thưởng đến từ các ngành khoa học và chuyên môn, các nền văn hóa và quan điểm đa dạng, khác nhau. Các thành viên của Hội đồng Giải thưởng gồm Giáo sư Gérard Albert Mourou (Đại học Bách khoa Pháp – École Polytechnique, người đoạt Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2018); Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS (Giáo sư Vật lý Cavendish tại Đại học Cambridge – người giành được Giải thưởng Công nghệ Millennium năm 2010); Giáo sư Jennifer Tour Chayes (Đại học California Berkeley, là một trong những người sáng lập 3 Trung tâm Nghiên cứu Microsoft); Giáo sư Michael Eugene Porter (Đại học Harvard, người sáng lập ra học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”); Giáo sư Leslie Gabriel Valiant, FRS (Đại học Harvard, người đoạt Giải thưởng A.M.Turing năm 2010); Giáo sư Pascale Cossart (Viện Pasteur Paris, cơ quan cấp cao nhất về vi khuẩn Listeria monocytogenes); Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov (Đại học Manchester, Giáo sư Tan Chin Tuan Centennial tại Đại học Quốc gia Singapore – NUS); Giáo sư Đặng Văn Chí (Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig); Giáo sư Vũ Hà Văn (Giáo sư Toán học và Khoa học Dữ liệu Percey F. Smith tại Đại học Yale); Tiến sĩ Xuedong Huang (Giám đốc phụ trách công nghệ – CTO của Microsoft); Tiến sĩ Padmanabhan Anandan (Giám đốc điều hành – CEO của Viện Trí tuệ nhân tạo Wadhwani).
Những người sáng lập đã cam kết tài trợ số tiền ban đầu là 100 triệu USD và số tiền này sẽ được bổ sung trong tương lai để tài trợ cho các nguồn lực và quy trình quản lý của Giải thưởng VinFuture, đảm bảo tính bền vững cho các hoạt động lâu dài của Quỹ. VinFuture Foundation, một quỹ độc lập, phi lợi nhuận, sẽ quản lý Giải thưởng VinFuture.
Hội đồng cố vấn, bao gồm các nhà khoa học xuất sắc, nhà đổi mới, nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo trong ngành của Việt Nam được quốc tế công nhận, do Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale) và Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California Santa Barbara) làm Đồng Chủ tịch, sẽ hỗ trợ Người sáng lập trong việc đưa ra các tư vấn chiến lược cho Quỹ.
Giải thưởng VinFuture là tầm nhìn và đứa con tinh thần của ông bà Phạm Nhật Vượng và Phạm Thu Hương. Đề cập về động lực đằng sau việc hình thành giải thưởng này, ông Phạm Nhật Vượng nêu rõ: “Việc tạo ra sự thay đổi tích cực và tác động trực tiếp đến cuộc sống của mọi người – luôn là mục đích của tôi – cả trong kinh doanh lẫn cuộc sống. Các biến cố của năm 2020 cho thấy rằng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tập hợp những cá nhân phi thường, với trái tim nhân hậu và bộ óc vĩ đại – những người có thể nỗ lực hướng tới hiện thực hóa sức mạnh của khoa học và công nghệ trong việc vượt qua những thách thức cam go nhất, khắc nghiệt nhất mang tính toàn cầu và cải thiện cuộc sống của con người”.
Giải thưởng VinFuture sẽ bắt đầu nhận đề cử cho đợt trao giải thưởng đầu tiên từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021. Danh sách những người đoạt Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất sẽ được công bố vào tháng 12/2021. Dự kiến, lễ trao giải thưởng chính thức sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 1/2022.
Recent Comments