ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH HỒNG KÔNG – Media OutReach – Theo báo cáo quý 1/2021 của Coface có tựa đề là Coface Quarterly Barometer (tạm dịch Phong vũ biểu hàng quý của Coface) vừa được công bố mới đây, hơn một năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, xu hướng kinh tế toàn cầu phát triển không đồng đều do những bất ổn kéo dài xung quanh sự lây lan của COVID-19. Việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine cũng như tính hiệu quả của nó là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh này, triển vọng trở lại trạng thái bình thường mới đều không đồng đều và không chắc chắn giữa các lĩnh vực hoạt động và khu vực địa lý.
Như đã trình bày trong báo cáo hàng quý mới đây, Coface giả định rằng, sự phục hồi kinh tế sẽ có được động lực từ mùa hè năm 2021, khi một tỷ lệ đủ lớn dân số ở Mỹ và châu Âu sẽ được tiêm chủng. Tuy nhiên, có nguy cơ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine, đặc biệt là do hạn chế về nguồn cung từ các nhà sản xuất, dẫn đến sự thiếu hụt một số sản phẩm và hoạt động xuất khẩu bị hạn chế.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng toàn cầu của Coface đã được điều chỉnh tăng thêm nửa điểm phần trăm (+ 5,1% cho năm 2021), nhờ vào mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở Mỹ. Trong triển vọng kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn này, Coface đang nâng cấp 35 lĩnh vực hoạt động so với chỉ 3 lĩnh vực tụt hạng.
Ngoài Mỹ, một số lĩnh vực khác của nền kinh tế thế giới-công nghiệp và thương mại toàn cầu-có khả năng trở lại mức hoạt động trước khủng hoảng vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác đang bị tụt lại phía sau, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và những lĩnh vực liên quan đến tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và trên toàn bộ các nền kinh tế châu Âu. Cuối cùng, ở một số nền kinh tế mới nổi lớn, sự phục hồi cũng đang bị kìm hãm bởi lạm phát gia tăng. Điều này đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nền kinh tế Mỹ chuyển sang chế độ “áp lực cao”
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, cán cân của sự bất ngờ đang nghiêng về phía tích cực, mặc dù vẫn còn có nhiều bất ổn liên quan đến tình trạng sức khỏe.
Khoảng cách tăng trưởng dự kiến giữa khu vực đồng euro và Mỹ là bình thường, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi. Điều này một phần là do các yếu tố ổn định tự động yếu hơn ở Mỹ, làm tăng tốc độ điều chỉnh về việc làm và thu nhập. Nhưng lần này, lý do giải thích cho sự chênh lệch tăng trưởng của Mỹ lại khác: sự hạn chế di chuyển ít hơn so với khu vực đồng tiền chung châu Âu, cả vào năm 2020 và đầu năm 2021 và việc triển khai tiêm vaccine nhanh hơn.
Sự khác biệt trong chính sách kinh tế cũng có thể giải thích cho sự hoạt động tốt hơn của Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng quy mô của bảng cân đối kế toán. Chương trình mua tài sản của nước này đã tăng khoảng 13% GDP vào năm 2020, so với mức 9% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cuối cùng và quan trọng nhất, sự hỗ trợ tài chính lớn hơn sẽ cho phép nền kinh tế Mỹ trở lại mức GDP trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Được thông qua vào tháng 3 năm 2021, chương trình cứu trợ mới của Mỹ lên tới 1.900 tỷ USD và sẽ đưa tổng phản ứng tài khóa đối với cuộc khủng hoảng lên một khoản tương đương 27% GDP của Mỹ, nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào khác. Coface kỳ vọng rằng, thâm hụt công có thể cao hơn tới 56 tỷ USD so với mức nếu không có gói kích thích kinh tế.
Mục tiêu của chiến lược này là đặt nền kinh tế Mỹ dưới “áp lực cao”, tức là thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm khuyến khích mạnh những người ít có việc làm trở lại làm việc (đây là đối tượng thất nghiệp lâu dài hoặc không hoạt động do chán nản, những người có kỹ năng thấp và các nhóm dân cư bị phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng).
Khu vực đồng tiền chung châu Âu: các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp vẫn được giấu
Khu vực đồng euro khó có thể trở lại mức GDP trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào trước năm 2022. Nếu các biện pháp hạn chế di chuyển chính được dỡ bỏ vào cuối mùa hè này, điều này sẽ đi đôi với việc ngừng dần các biện pháp hỗ trợ kinh doanh, vốn có thể gây ra tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Ngoài ra, việc gia tăng các khoản nợ của doanh nghiệp do các khoản vay được chính phủ bảo lãnh – có khả năng hạn chế khả năng đầu tư của họ.
Bất chấp tác động tích cực từ các khoản hỗ trợ của chính phủ, sức khỏe tài chính của các công ty đã xấu đi đáng kể vào năm 2020, điều này thường dẫn đến sự gia tăng các vụ vỡ nợ, phá sản. Theo Coface, tỷ lệ vỡ nợ vào năm 2020 lẽ ra phải tăng 19% ở Tây Ban Nha, 7% ở Italia và 6% ở Pháp và Đức. Coface ước tính số vụ vỡ nợ được giấu là 44% trong số các vụ vỡ nợ được ghi nhận ở Pháp vào năm 2019, 39% ở Italia, 34% ở Tây Ban Nha và 21% ở Đức.
Các nền kinh tế mới nổi: lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ
Theo dự báo tháng 4 năm 2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi sẽ bị ảnh hưởng lâu dài hơn bởi đại dịch COVID-19 so với các nền kinh tế phát triển.
Vào năm 2024, GDP ở các nền kinh tế mới nổi sẽ thấp hơn 4% so với mức trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Đối với các nền kinh tế phát triển, mức chênh lệch này sẽ chỉ là 1% (so với 10% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 -2009). Có một số lý do giải thích cho sự tụt hậu dự kiến này giữa sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Thứ nhất, quy trình tiêm chủng vaccine ở các nước phát triển được triển khai nhanh hơn với quy mô lớn hơn so với các nước đang phát triển. Ngay cả khi một số nền kinh tế mới nổi đang đi đúng hướng, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Chile và ở mức độ thấp hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc, nơi có ít nhất 10% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ trước ngày 8 tháng 4 vừa qua. Nhưng ngoài một số ít trường hợp này, thực tế là Mỹ và châu Âu đã mua được số lượng lớn vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia khác chỉ có số lượng liều vaccine thấp hơn nhiều.
Trong số 4 khu vực sản xuất vaccine chính (Trung Quốc, Mỹ, Tây Âu và Ấn Độ), sự cám dỗ để thực hiện các biện pháp bảo hộ ngày càng mạnh mẽ. Ví dụ, Ấn Độ đã thông báo tạm dừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên triển khai tiêm vaccine ở nước này, nơi số ca mắc bệnh đã tăng đáng kể kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Bên cạnh những bất ổn này, nhiều nền kinh tế mới nổi còn chịu tác động kép do tiếp xúc với các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 (đặc biệt là ngành du lịch và vận tải).
Tuy nhiên, về mặt tích cực, việc giá dầu và hàng hóa nông sản tăng là một tin tốt đối với các nền kinh tế chịu xu hướng ngược lại trong năm ngoái. Ngoài ra, triển vọng tích cực đối với tiêu dùng của Mỹ sẽ thúc đẩy khối lượng xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là các nhà sản xuất hàng tiêu dùng.
Mặt khác, việc mở rộng thâm hụt ngân sách của Mỹ đang khuyến khích dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi, khi những điều chỉnh tăng lên của triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ đẩy lãi suất dài hạn của Mỹ lên, thu hẹp khoảng cách với các thị trường mới nổi và khiến cho các nền kinh tế mới nổi kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tài chính. Điều này đã dẫn đến sự sụt giá của các đồng tiền ở một số quốc gia mới nổi, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Toàn bộ Báo cáo Coface Quarterly Barometer hiện có ở đây.
Thông tin về Coface for trade (Coface dành cho thương mại)
Với 75 năm kinh nghiệm và mạng lưới quốc tế rộng khắp, Coface dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng thương mại và các dịch vụ đặc biệt lân cận, bao gồm Bao thanh toán, Thu hồi nợ, Bảo hiểm rủi ro đơn lẻ, Dịch vụ trái phiếu và Thông tin. Các chuyên gia của Coface làm việc theo nhịp điệu của nền kinh tế toàn cầu, giúp khoảng 50.000 khách hàng tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng các doanh nghiệp thành công, phát triển và năng động trên toàn thế giới.
Coface giúp các công ty trong các quyết định tín dụng của họ. Các dịch vụ và giải pháp của Coface tăng cường khả năng bán hàng của họ bằng cách bảo vệ họ trước những rủi ro không thanh toán được tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong năm 2020, với khoảng 4.450 nhân viên, Coface có doanh thu 1,45 tỷ EUR.
COFACE SA có cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Euronext Paris.
ISIN Code: FR0010667147 / Mnemonic: COFA
#Coface
Recent Comments